Tuyển tập thơ Chế Lan Viên
Nguồn: tổng hợp từ Internet
- Vài nét về tác giả:
Tên thật: Phan Ngọc Hoan
Sinh ngày: 23-10-1920 (tức ngày 12 tháng 9 năm Canh Thân)
Quê gốc ở Cam Lộ, Quảng Trị, song thuở nhỏ sống, học, và làm những bài thơ đầu tiên ở Bình Định, nên nơi này cũng được xem như quê hương thứ hai của ông.
– Chế Lan Viên đã từng có thơ được in trên báo chí từ những năm 1935-1936. Năm 1937, khi tập thơ Điêu tàn được in ra (lúc ông mới 17 tuổi và là học sinh năm thứ 3 trường Trung học Quy Nhơn), ngay lập tức được dư luận đặc biệt chú ý – và được xem là một trong những nhà thơ nổi tiếng của phong trào thơ mới. Thời gian ở Bình Định ông cùng nhóm thơ với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được gọi là Bàn thành tứ hữu (bốn người bạn thơ đất Bình Định).
– Năm 1939 ông ra học tại Hà Nội, sau vào Sài Gòn làm báo, rồi ra Thanh Hóa dạy học. Năm 1942 ông cho ra đời tập văn Vàng Sao, thơ triết luận về đời với màu sắc siêu hình, huyền bí.
– Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông tham gia tại Quy Nhơn rồi ra Huế tham gia Đoàn xây dựng cùng với Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh, viết bài cho báo Quyết Thắng của Việt Minh Trung bộ.
– Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm công tác báo chí ở Liên khu 4 cũ.
– Tháng 7-1949 trong chiến dịch ở Tà Cơn, Đường 9 (Quảng Trị) Chế Lan Viên được kết nạp vào Đảng.
– Hòa bình lập lại, ông về Hà Nội. Từ đấy cho đến suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông cho ra đời hàng loạt tập thơ như: ánh sáng và phù sa (1960); Hoa ngày thường – chim báo bão (1967); Những bài thơ đánh giặc (1972); Đối thoại mới (1973); và một loạt tác phẩm lý luận, phê bình, văn xuôi như Phê bình văn học (1962); Suy nghĩ và bình luận (1972); Những ngày nổi giận (1966).
– Trong thời kháng chiến chống Mỹ, ông tham gia trong Ban lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam, nhiều lần là sứ giả của văn hóa Việt Nam tham dự trên các diễn đàn văn hóa Quốc tế ở Liên Xô (cũ), Pháp, Nam Tư, ấn Độ, Na Uy, Thụy Điển … Ông cũng từng là đại biểu Quốc Hội bốn khóa liền (từ khóa IV đến khóa VII).
– Sau ngày đất nước thống nhất ông chuyển hẳn vào sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Và ông vẫn cho ra đời nhiều tập thơ, trong đó có tập Hát theo mùa (1977), Hoa trên đá (1984); nhiều tập văn xuôi trong đó có Từ gác Khuê văn đến quán Trung tâm (1981), Ngoại vi thơ (1987).
– Ông mất ngày 19-6-1989 tại bệnh viện Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh.
- Các bút danh:
Ngoài bút danh Chế Lan Viên ( được hiểu là tác giả tự nhận mình là bông hoa lan trong khu vườn nhà họ Chế- dòng họ vua chúa của dân tộc Chàm ở nước Chiêm Thành xưa) nổi tiếng, trong bài giới thiệu tập tiểu luận Những bước đường tư tưởng của tôi của Xuân Diệu[/COLOR], đăng trên báo Văn học tháng 9 năm 1958, ông ký bút danh Thạch Hãn[/COLOR] (tên một con sông tỉnh Quảng Trị quê ông). Nhiều bài báo in trên báo Thống Nhất, xuất bản ở Hà Nội trước tháng 5 năm 1975, ông cũng ký bằng bút danh này.
Từ năm 1959 đến năm 1963, trong thời gian làm biên tập báo Văn học, phụ trách chuyên mục Nói chuyện văn thơ, trả lời bạn đọc, ông ký bút danh Chàng Văn. Năm 1961, Nhà xuất bản Văn học đã cho xuất bản hai tập Vào nghề và Nói chuyện văn thơ của tác giả Chàng Văn.
Trong mục Nụ cười xuân trên báo Văn học, Chế Lan Viên có hai bài viết ngắn là Ngô bói Kiều và Lý luận Đờ Gôn ký tên Oah (tức Hoan).
- Tác phẩm thơ:
- Điêu tàn (1937)
- Gửi các anh (Hội nhà văn, 1955)
- Ánh sáng và phù sa (Văn học, 1960)
- Hoa ngày thường, chim báo bão (Vănhọc, 1967)
- Những bài thơ đánh giặc (Thanh niên, 1972)
- Đối thoại mới (Văn học, 1973)
- Ngày vĩ đại (Văn học Giải phóng, 1976)
- Hoa trước lăng người (Thanh niên, 1976)
- Dải đất vùng trời (Quảng Bình, 1976)
- Hái theo mùa (Tác phẩm mới, 1977)
- Hoa trên đá (Văn học, 1984)
- Ta gửi cho mình (Tác phẩm mới, 1986)
- Di cảo thơ Chế Lan Viên (1992)
Vài nét thêm về Chế Lan ViênLần sửa cuối bởi besideyou.bwt; 02-06-2011 lúc 17:00
-
Tiếng hát con tàu
Tiếng hát con tàu
Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu
Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng?
Bạn bè đi xa, anh giữ trời Hà Nội
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô? Tàu đói những vầng trăng
Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?
Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia
Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc
Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng
Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất
Nay rạt rào đã chín trái đầu xuân
Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường
Con đã đi nhưng con cần vượt nữa
Cho con về gặp lại mẹ yêu thương
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa
Con nhớ anh con, người anh du kích
Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn
Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách
Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con
Con nhớ em con, thằng em liên lạc
Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ
Sáng bản Na, chiều em qua bản Bắc
Mười năm tròn! Chưa mất một phong thư
Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc
Năm con đau, mế thức một mùa dài
Con với mế không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chi là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương
Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch
Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng
Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương
Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi?
Tình em đang mong, tình mẹ đang chờ
Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội
Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga
Mắt ta nhớ mặt người, tai ta nhớ tiếng
Mùa nhân dân giăng lúa chín rì rào
Rẽ người mà đi, vịn tay mà đến
Mặt đất nồng nhựa nóng của cần lao
Nhựa nóng mười năm nhân dân máu đổ
Tây Bắc ơi, ngươi là mẹ của hồn thơ
Mười năm chiến tranh, vàng ta đau trong lửa
Nay trở về, ta lấy lại vàng ta
Lấy cả những cơn mơ! Ai bảo con tàu không mộng tưởng?
Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng
Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống
Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân
-
Các mùa hoa
Thôi không còn chờ mùa hoa phía trước
Mà ngoái đầu nhẩm lại các mùa hoa phía sau
Đấy là quy luật
Nhận mà không đau
Nhớ từ mùa hoa trong vườn mẹ
Lúc ấy là mai hay đào ?
Lại nhớ mùa hoa xoan xứ Huế
Màu ngọc hồng trong chiêm bao…
Thôi cho ta khỏi đếm từng mùa hoa một
Ta có còn nó đâu ?
Không phải hoa khuất mà ta khuất
Ta đi vào xứ không màu.
Cảm ơn một mùa ở trên trái đất
Cái hành tinh không vắng lặng giữa thiên hà
Không phải chỉ vì có hơi người ấm áp
Mà vì còn có các mùa hoa.
Dù là một chiếc hoa dại hoa vườn nhỏ nhặt
Ở trong cõi không màu, ta vẫn thấy nó từ xa.
-
Trừ đi
Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu? Một nửa
Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ,
Tôi giết cái cánh sắp bay…trước khi tôi viết
Tôi giết bão táp ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời trên biển,
Giết mưa và giết cả cỏ mọc trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình.
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi?
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi – người có lỗi!
Ðã giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình! -
Thời thượng
Chả còn ai yêu vầng trăng và hương lúa ngoài đồng
Yêu bà Tiên hay đám mây trên lầu Hoàng hạc
Giờ là thế giới của xe cúp, tivi, phim màu ngũ sắc
Của quyền lực, tuổi tên, đốp chát…
Vị trí nhà thơ như rác đổ thùng!
Chả ai nhớ bà mẹ cắm chông bạc tóc
Nhớ một cô gái chèo đò vượt lửa qua sông.
-
Nhà không trần
Phạt bảy nghìn tiền điện
Lấy gì trả bây giờ?
Bán đi bảy tấm ván
Bạn cho làm trần nhà.
Cảm thông nhà thơ nghèo
Nửa cho và nửa bán,
Sợ nhà lợp mái tôn
Chạy trời không khỏi nắng
Những trưa hè nóng bức
Nghĩ nhiều càng thương thân
Tuổi lớn vẫn viết được
Miễn nhà có cái trần.
Chung quanh bọn tham ô
Xây biệt thự lớn, nhỏ
Còn lên lớp cho thơ:
“Cần chịu đựng gian khổ” (!)
Sáng, ta viết ngoài sân
Nhờ cây cho bóng mát
Trưa, ăn cơm dưới thềm
Mồ hôi có gió quạt
Dầu vậy vẫn khoái trí
Được nhiều người cực hơn
Khen: “Anh mà còn thế,
Việc quái gì em buồn”.
-
Cờ
Con cờ anh và cờ khách quan đối thủ
Chơi ván đời được thua chưa ngã ngũ
Bỏ xừ anh!
Anh và bóng anh
Anh và bóng em
Anh và số phận
Anh đi một bước, nó đi một bước
Anh đi con mã, nó đi con xe
Anh ghềnh con sĩ, nó xơi con tốt
Chả còn biết ai sau, ai trước
Ăn, chả bao giờ ăn luôn
Mà lỡ thua thì thua tuốt
Đẩy cờ anh vào những thế chênh vênh
Chiếu tướng thình lình
Mà chẳng ai đến cùng anh
Mách nước.
Nó là khách quan, nó là tai ương
Nó là hạnh phúc, nó là văn chương
Nó là bóng em, nó là bóng anh
Nó chả là gì, nó là tất cả
Ôi, bạn bè anh đâu cả?
Để anh chơi chỉ có một mình! -
Bình đựng lệ
Từ sâu thẳm không tên
Vớt lên bình đựng lệ
Người xưa ném nỗi đau vào bể
Nhờ sóng triều vạn kỷ
Lấy vùi trong lãng quên.
Dẫu không chu kỳ
Như Tua Rua, sao Chổi
Chiếc bình tuột khỏi tay nhân loại
Lại về trở lại
Nằm kia
Cùng với hoa trúc đào đỏ chói
Và sóng chiều vào bãi
Ném thia lia.
Tôi từ xứ lắm bom
Giáp mặt nghìn lần cùng cái chết
Đứng trước chiếc bình con
Vẫn cứ bàng hoàng
Ồ! Ta đã nghe rao giảng về hư vô
Tro tàn, gió rét.
Ăn miếng buồn trong thơ
Uống nỗi đau ở triết,
Ờ, thế mà chả có gì mất hết
Chiếc bình kia vẫn còn
Vỏ ốc hóa vôi
Rễ cây bám bình hóa thạch
Nét hoa văn vẫn cười.
Dù hoa chỉ một ngày
Dù sóng kia vạn tuổi
Dù đời nhiều chuyện rủi
Mà rất nghèo cơ may
Chiếc bình xưa vẫn đó
Người này vứt để quên
Người kia cầm lại nhớ
Thời này dù vứt bỏ
Thì thời kia nhặt lên.
-
Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh
Tôi chỉ là nhà thơ cưỡi trâu
Đánh trận giặc cờ lau
Thế mà không đâu
Gặp Thập nhị sứ quân đầu rừng cuối quận
Thành ra người dẹp loạn
Rồi làm tướng, làm vua
Lắm chuyện nhức đầu
Cho tôi về với cành lau
Vàng vọ
Về với con trâu nghé ngọ
Có cặp sừng bỡ ngỡ
Chiều buồn không nghe hồn lau gọi nữa
Xe tiếng gió xạc xào
Xa mùi bùn, mùi trâu, rơm rạ…
Chỉ nghe danh vọng ầm ào
Vinh quang xí xố
Hoa Lư ở đâu?
Hoa lau ở đâu?
Hồn lau ở đâu?
Hồn ta ở đâu? -
Chùm nhỏ thơ yêu
Anh cách em như đất liền xa cách bể
Nửa đêm sâu nằm lắng sóng phương em
Em thân thuộc sao thành xa lạ thế
Sắp gặp em rồi, sóng lại đẩy xa thêm
Anh không ngủ. Phải vì em đang nhớ
Một trời sao rực cháy giữa đôi ta
Em nhắm mắt cho lòng anh lộng gió
Cho trời sao yên rụng một đêm hoa.
Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012
Tuyển tập THƠ Chế Lan Viên
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét